UPAS L/C là gì? Quy trình UPAS L/C
Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển về hội nhập kinh tế quốc tế, thanh toán tín dụng là một trong những hình thức giúp phục vụ cho giao thương được thuận lợi, suôn sẻ hơn. Trong đó, UPAS L/C là thuật ngữ mà bất kỳ ai trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu đều đã nghe qua. Để hiểu rõ hơn về UPAS L/C, hãy cùng Thomasday phân tích UPAS L/C là gì và quy trình UPAS L/C qua bài viết dưới đây bạn nhé!
UPAS L/C là gì?
UPAS L/C (Usance payable at sight Letter of credit) là phương thức thanh toán tín dụng chứng từ trả chậm hay gọi tắt là thư tín dụng trả chậm nhưng có thể thanh toán ngay.
Tức là, nhà xuất khẩu (người bán hàng) có thể nhận được tiền thanh toán sớm hơn, thông qua việc ứng vốn của ngân hàng từ nhà nhập khẩu (người mua hàng) và nhà nhập khẩu sẽ phải chi trả khoản lãi suất từ việc yêu cầu phát hành L/C này.
Như vậy, UPAS L/C được xem là gói giải pháp hỗ trợ mua hàng mà ngân hàng cung cấp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó, theo yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu, ngân hàng sẽ phát hành L/C trả chậm có điều kiện, người thụ hưởng (bên bán) được phép nhận tiền ngay hoặc tại thời điểm xác định khi xuất trình bộ chứng từ phù hợp với L/C và các quy định thương mại.
Đặc điểm UPAS L/C
UPAS L/C là phương thức thanh toán tín dụng đảm bảo an toàn cho cả bên mua và bên bán. Nhờ những đặc điểm sau:
- Loại tiền: USD hoặc ngoại tệ khác được ngân hàng phát hành L/C chấp nhận.
- Thời hạn vay: tối đa 12 tháng, tùy thuộc vào ngân hàng.
- Phương thức vay: theo hình thức UPAS L/C.
- Phương thức thanh toán: bằng vốn tự có hoặc vốn hợp pháp để thực hiện đúng yêu cầu thời điểm trả chậm L/C.
- Tài sản đảm bảo: tùy vào ngân hàng ở từng thời kỳ (có thể là nhà, đất, tài sản có giá trị khác,…).
- Mức cho vay: dựa trên giá trị bộ chứng từ và tùy vào ngân hàng ở mỗi thời điểm.
- Phí: hai bên thỏa thuận.
- Ngôn ngữ L/C: tiếng Anh, tiếng Việt không dấu/có dấu
Lợi ích của UPAS L/C
Xét về khía cạnh thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán UPAS L/C là lựa chọn cân bằng lợi ích giữa bên nhập khẩu và bên xuất khẩu cụ thể như sau: . Đối với nhà nhập khẩu
- Tháo gỡ khó khăn về vấn đề tài chính, được thanh toán tiền hàng chậm hơn với mức chi phí phù hợp.
- Được hưởng mức phí ưu đãi, cạnh tranh, thậm chí là thấp hơn lãi suất vay ngoại tệ thông thường để thanh toán.
- Giảm áp lực về ngoại tệ trong trường hợp không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.
- Nâng cao tính thanh khoản, cải thiện nguồn vốn, mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín ở nước ngoài với giả cả cạnh tranh.
- Thời hạn trả chậm cho nhà nhập khẩu kéo dài lên đến 365 ngày (tùy thuộc vào ngân hàng).
- Thanh toán nhanh chóng, an toàn, thủ tục đơn giản, uy tín khi được thực hiện bởi trung gian là ngân hàng.
Đối với nhà xuất khẩu
- Được thanh toán tiền hàng ngay mà không phải chi trả một khoản phí nào.
- UPAS L/C là cách đảm bảo nhà nhập khẩu sẽ thanh toán mọi chi phí, được đảm bảo bởi trung gian là ngân hàng, vì thế khi có tranh chấp thì ngân hàng sẽ giải quyết với đơn vị nhập khẩu.
- Nhanh chóng thu được nguồn vốn để xoay vòng hoạt động sản xuất mà không cần phải vay từ những bên khác.
Quy trình thanh toán UPAS L/C
UPAS L/C là quy trình được thực hiện giữa các bên tham gia bao gồm: bên mua (nhà nhập khẩu), bên bán (nhà xuất khẩu), ngân hàng Thông báo, ngân hàng Mở (ngân hàng bên mua), ngân hàng Hoàn trả (ngân hàng bên bán). Với các bước theo trình tự như sau:
Bước 1: Ký hợp đồng mua bán
Bên mua (nhà nhập khẩu) và bên bán (nhà xuất khẩu) thực hiện thỏa thuận thanh toán UPAS L/C. Trong hợp đồng, bên bán sẽ nêu rõ họ phải nhận được tiền ngay bất kể thời gian L/C trả chậm là bao nhiêu và bên mua sẽ chịu phí lãi suất của ngân hàng Hoàn trả (ngân hàng bên bán).
Bước 2: Bên mua mở UPAS L/C tại ngân hàng Mở
Bên mua sẽ liên hệ với ngân hàng Mở để thực hiện mở UPAS L/C và đề nghị tài trợ với thời gian là 180 ngày, kể từ ngày vận đơn phát hành (B/L) hoặc ngày ngân hàng Mở nhận được chứng từ. Mức tài trợ sẽ dựa trên khả năng tài chính, khả năng chi trả của bên mua.
Bước 3: Bên mua ký phát hối phiếu
Ngân hàng Mở phát hành UPAS L/C sẽ yêu cầu bên mua ký phát hối phiếu trả sau 180 ngày (tối đa 365 ngày), kể từ ngày B/L.
Bước 4: Ngân hàng Mở gửi giấy ủy quyền hoàn trả cho ngân hàng Hoàn trả
Ngân hàng Mở sẽ liên hệ với ngân hàng Hoàn trả ở nước của nhà xuất khẩu để gửi giấy ủy quyền hoàn trả có quy định trả tiền theo điều kiện của L/C – ngân hàng Hoàn trả chấp nhận và chiết khấu hối phiếu trả sau theo thỏa thuận đã ký trong hợp đồng.
Bước 5: Bên bán giao hàng và xuất trình chứng từ
Bên bán sẽ giao hàng kèm theo toàn bộ chứng từ có liên quan cho ngân hàng Thông báo. Ngân hàng Thông báo sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ, nếu chứng từ hợp lệ, họ sẽ gửi hồ sơ đến ngân hàng Hoàn trả bao gồm: hối phiếu do bên mua ký phát, thư đòi tiền của ngân hàng Thông báo. Còn các chứng từ gốc sẽ được ngân hàng Thông báo gửi về cho ngân hàng Mở.
Bước 6: Ngân hàng Hoàn trả trích tiền cho bên bán
Ngân hàng Hoàn trả nhận được hối phiếu sẽ thực hiện ủy quyền hoàn trả cho ngân hàng Mở, nghĩa là họ sẽ trả tiền cho bên bán thông qua ngân hàng Thông báo. Ngân hàng Thông báo sẽ thực hiện báo có tài khoản cho bên bán. Vì vậy, số tiền mà bên bán nhận được đã trừ đi các khoản phí thu bởi ngân hàng Hoàn trả và ngân hàng Thông báo.
Bước 7: Ngân hàng Hoàn trả điện thông báo cho ngân hàng Mở
Sau khi nhận được thông báo, ngân hàng Mở sẽ kiểm tra chứng từ gốc (nhận từ ngân hàng Thông báo ở bước 5). Nếu chứng từ hợp lệ, ngân hàng Mở sẽ thông báo cho bên mua ngày đáo hạn và các khoản phí liên quan, đồng thời gửi cho bên mua bộ chứng từ đó để họ nhận hàng.
Bước 8: Ngân hàng Mở thanh toán cho ngân hàng Hoàn trả
Đến ngày đáo hạn hối phiếu, ngân hàng Mở sẽ thanh toán cho ngân hàng Hoàn trả. Lúc này, bên mua mới nộp tiền hàng cho ngân hàng Mở, bao gồm số tiền ghi trên hối phiếu và các chi phí phát sinh.
Như vậy, ngân hàng Mở phải thanh toán cho ngân hàng Hoàn trả ngay cả khi bên mua chưa thanh toán cho ngân hàng Mở.
Phân biệt UPAS L/C và Deferred L/C
Trong phương thức thanh toán L/C trả chậm, UPAS L/C và Deferred L/C là 2 hình thức có nét tương đồng. Nhưng thực tế, chúng vẫn có những nét khác biệt để nhận dạng.
Trong đó, Deferred L/C là phương thức thanh toán tín dụng chứng từ có kỳ hạn do ngân hàng thực hiện, quy định người mua có thể trả tiền cho người bán thành một lần hoặc nhiều lần.
UPAS L/C | Deferred L/C | |
Điểm giống | Đều là phương thức thanh toán thư tín dụng chứng từ trả chậm.Được sử dụng phổ biến trong ngành xuất nhập khẩu. | |
Điểm khác | Hình thức và thời gian thanh toán | |
Ngân hàng Mở thanh toán tiền cho nhà xuất khẩu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Trong thời gian thỏa thuận (tối đa 365 ngày), nhà nhập khẩu phải trả tiền lại cho ngân hàng Mở. | Khi nhận được đầy đủ chứng từ xuất trình hợp lệ, thì sau 365 ngày ngân hàng Mở (bên mua) sẽ trích tiền cho ngân hàng Thông báo để thanh toán cho bên xuất khẩu. |
Một số ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán UPAS L/C
Để đáp ứng nhu cầu của ngành thương mại quốc tế, hiện nay có rất nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán UPAS L/C. Tiểu biểu phải kể đến:
Ngân hàng | Lợi ích nhận được | Phí dịch vụ |
Vietcombank | Tháo gỡ khó khăn về nguồn ngoại tệ thanh toánThời gian trả chậm lên tới 360 ngàyNgân cao thanh khoảnChi phí ưu đãi | Biểu phí dịch vụ thư tín dụng |
LienVietPostBank | Tư vấn nhanh, miễn phí và chuyên nghiệp.Giao dịch được xử lý nhanh chóng, an toàn, chính xác.Phí dịch vụ cạnh tranh. | Biểu phí thanh toán quốc tế doanh cho khách hàng doanh nghiệp |
VPBank | Có được giá tốt trong hợp đồng mua bán ngoại thương.Được VPBank tài trợ vốn ngoại tệ với lãi suất hấp dẫn dưới hình thức L/C trả chậm.Thời gian trả chậm: 180 ngày | Biểu phí dịch vụ thanh toán quốc tế |
ACB | Giảm áp lực về ngoại tệ, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh. | Biểu phí doanh nghiệp |
Sacombank | Đối với Bên mua: được thanh toán trả chậm tiền hàng với chi phí hợp lý.Đối với Bên bán: được thanh toán tiền ngay mà không phải trả thêm chi phí nào. | Biểu phí sản phẩm dịch vụ – doanh nghiệp |
Lời kết
Như vậy, UPAS L/C không những tiết kiệm chi phí, mà còn hỗ trợ nhà xuất khẩu nhanh chóng xoay vòng vốn để duy trì các hoạt động sản xuất mà không cần phải vay vốn từ những bên khác. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ về UPAS L/C cũng như những công việc mà nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu phải làm khi mở thanh toán UPAS L/C. Chúc bạn thành công và áp dụng phương thức này thật hiệu quả nhé!