Chứng khoán và cổ phiếu khác nhau như thế nào?

Chứng khoán và cổ phiếu khác nhau như thế nào?

Chứng khoán và cổ phiếu là các kênh đầu tư hấp dẫn nhất nhì hiện nay trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, hai khái niệm này còn khá mới mẻ và dễ gây nhầm lẫn với nhiều người. Nhằm giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt, đạt lợi nhuận cao, trong bài viết dưới đây, Thomasday sẽ làm rõ chứng khoán và cổ phiếu là gì, cũng như đặc điểm và bản chất của từng loại hình này. Cùng theo dõi nhé!

Những điều cần biết về chứng khoán

Chứng khoán là gì?

Chứng khoán là gì?

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán là tài sản bao gồm các loại sau đây:

  • Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ.
  • Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký.
  • Chứng khoán phái sinh.
  • Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Theo đó, tại Điều 4 các loại tài sản là chứng khoán được định nghĩa như sau:

  • Cổ phiếu là loại chứng khoán xác thực quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. 
  • Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
  • Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
  • Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
  • Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
  • Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
  • Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
  • Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Như vậy, chứng khoán là bằng chứng xác nhận về quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của công ty phát hành. Chứng khoán được thể hiện bằng nhiều hình thức như chứng chỉ, bút toán ghi sổ hay dữ liệu điện tử. 

Đặc điểm của chứng khoán

  • Tính thanh khoản: Chứng khoán có tính thanh khoản cao hơn so với các hình thức đầu tư khác. Thị trường càng sôi động tính thanh khoản sẽ càng cao, đặc biệt cổ phiếu luôn có mức thanh khoản thuộc hàng top, được xem là lựa chọn tốt nhất cho trader. 
  • Tính rủi ro: Rủi ro thị trường, rủi ro lạm phát, rủi ro chính trị…
  • Tính sinh lời: Chứng khoán là tài sản có khả năng sinh lời cho nhà đầu tư khi cổ phiếu tăng giá. Ngoài ra, thu nhập còn tới từ cổ tức được chia hoặc trả cho cổ đông theo quy định. 

Phân loại chứng khoán

Tùy theo đặc điểm riêng biệt mà chứng khoán được phân thành nhiều loại khác nhau, trong đó bao gồm:

  • Chứng khoán nợ là sản phẩm chứng nhận mối quan hệ giữa người sở hữu là chủ nợ và công ty phát hành. Chứng khoán nợ được thể hiện dưới dạng trái phiếu, giấy tờ chứng khoán dạng nợ, công cụ tài chính phát sinh,…Hiện nay, chứng khoán nợ chiếm tỷ trọng lớn trong các sản phẩm được mua bán giao dịch trên thị trường.
  • Chứng khoán vốn là loại chứng khoán được nắm giữ bởi các cổ đông, thể hiện quyền sở hữu một phần thu nhập và tài sản của công ty. Quyền sở hữu này sẽ được chuyển sang các nhà đầu tư khác khi cổ phần được bán. Chứng khoán vốn thường được phát hành dưới dạng cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu thường, chứng chỉ quỹ
  • Chứng khoán phái sinh là một công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Trong đó, việc xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở, được thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai với mức giá nhất định được thỏa thuận trước. 

Những điều cần biết về cổ phiếu

Cổ phiếu là gì?

Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Cổ phiếu là gì?

Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, cổ phiếu là một loại chứng khoán (được coi là tài sản), là đối tượng giao dịch trên sàn chứng khoán.

Ví dụ: Công ty ABC phát hành 1000 cổ phiếu. Nếu bạn sở hữu 01 cổ phiếu công ty ABC đồng nghĩa với việc bạn là chủ sở hữu của 0.1% doanh nghiệp này. Tương tự, nếu sở hữu 700 cổ phiếu nghĩa là bạn đang chiếm 60% cổ phần công ty ABC. Theo đó, khi bạn có từ 60% trở lên, bạn là người giữ quyền hành tối cao trong doanh nghiệp.

Cổ phiếu bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của công ty phát hành cổ phiếu;
  • Số lượng và loại cổ phần;
  • Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần được ghi trên cổ phiếu;
  • Số đăng ký sổ đăng ký cổ đông của công ty, và ngày phát hành cổ phiếu để nhận biết đặc điểm của cổ phiếu;
  • Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số CCCD, CMND, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác mà cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hay số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức;
  • Tóm tắt thủ tục chuyển nhượng cổ phần;
  • Chữ ký của người đại diện hợp pháp và dấu của công ty (nếu có);
  • Các nội dung khác theo quy định tại Điều 116, 117, 118 của Luật doanh nghiệp đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

Đặc điểm của cổ phiếu

  • Không có kỳ hạn, không hoàn vốn

Cổ phiếu là giấy chứng nhận góp vốn của cổ đông trong công ty cổ phần. Theo đó, cổ phiếu chỉ có chiều góp vào, không thể hiện thời hạn hoàn vốn và không có kỳ hạn. Trong trường hợp công ty phá sản hoặc giải thể, cổ phiếu sẽ không còn tồn tại. 

  • Cổ tức không ổn định, phụ thuộc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Khi nhà đầu tư cổ phiếu thì cổ tức cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào hoạt động kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, nếu công ty làm ăn phát đạt thì cổ đông sở hữu cổ phiếu sẽ được hưởng lợi nhuận nhiều hơn so với các loại chứng khoán khác có lãi suất cố định. Ngược lại, khi công ty làm ăn thua lỗ, cổ tức có thể sẽ rất thấp hoặc thậm chí không có cổ tức. Nếu công ty phá sản, cổ đông là người cuối cùng nhận được giá trị còn lại từ tài sản thanh lý. 

  • Giá của cổ phiếu biến động rất mạnh

Cổ phiếu chịu tác động của nhiều nhân tố như thị trường, tình hình kinh tế ngành, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của công ty nên giá của cổ phiếu sẽ biến động rất mạnh. 

  • Tính thanh khoản cao

Là một sản phẩm của thị trường chứng khoán nên cổ phiếu có khả năng dễ dàng trong việc chuyển hóa thành tiền mặt. Tuy nhiên, tính thanh khoản cao hay thấp của cổ phiếu lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kết quả kinh doanh, quan hệ cung – cầu trên thị trường.

  • Tính rủi ro cao

Cổ phiếu là loại hình đầu tư mang lại lợi nhuận khá cao nhưng rủi ro cũng không kém với các chủ sở hữu. Điều này cũng xuất phát tư tâm lý số đông nhà đầu tư và tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tình hình kinh tế chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia và toàn thế giới.

Phân loại cổ phiếu

Theo Luật doanh nghiệp 2014, cổ phiếu chia làm hai loại: cổ phiếu phổ thông (cổ phiếu thường) và cổ phiếu ưu đãi.

Cổ phiếu phổ thông 

Là loại cổ phiếu phổ biến nhất tại các công ty cổ phần. 

Đối tượng sở hữu: cổ đông phổ thông. 

Quyền lợi: được dự họp đại hội cổ đông và có quyền biểu quyết những vấn đề lớn của công ty.

Cổ phiếu ưu đãi

Cổ phiếu ưu đãi là một giấy chứng nhận, tương tự như cổ phiếu phổ thông, nhưng cổ đông sẽ nhận nhiều ưu đãi hơn.

 Cổ phiếu ưu đãi gồm có: 

  • Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: là loại cổ phiếu có được số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phiếu phổ thông. 

Lưu ý: Số phiếu biểu quyết của một cổ phiếu ưu đãi mỗi công ty sẽ khác nhau, do Điều lệ công ty quy định.

  • Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: là hình thức cổ phiếu sẽ được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu. 
  •  Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: là cổ phiếu được trả cổ tức với mức giá cao hơn so với mức cổ tức của cổ phiếu phổ thông hay mức ổn định hằng năm. 

Chứng khoán và cổ phiếu khác nhau như thế nào?

Điểm chung giữa cổ phiếu và chứng khoán là đều đại diện cho các công cụ tài chính. Tuy nhiên, cổ phiếu chỉ là một hình thức bảo đảm thuộc về loại vốn chủ sở hữu của chứng khoán. Để hiểu hơn về sự khác nhau giữa chứng khoán và cổ phiếu, hãy theo dõi bảng so sánh dưới đây: 

Chứng khoánCổ phiếu
Khái niệm Chứng khoán là tài sản bao gồm: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;Chứng khoán phái sinh;…Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn của công ty tổ chức phát hành.
Bản chấtCông cụ tài chính Đơn vị sở hữu của doanh nghiệp
Khoản lợi nhuậnLợi tức Cổ tức
Quy môBao gồm cả chứng khoán nợ, chứng khoán vốn và chứng khoán phái sinhLà một trong những chứng khoán vốn
Tính sở hữuSở hữu một trong các yếu tố: cổ phần công ty (cổ phiếu), mối quan hệ chủ nợ (trái phiếu…) hay chứng khoán lai (trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi) hoặc các loại quyền chọn.Chỉ sở hữu cổ phần công ty 

Hướng dẫn cách mua chứng khoán và cổ phiếu cho người mới bắt đầu

Hướng dẫn cách mua chứng khoán và cổ phiếu

Sau khi đã nắm rõ các thông tin cơ bản về chứng khoán và cổ phiếu, dưới đây là hướng dẫn chi tiết cho bạn về cách đầu tư cổ phiếu cho người mới bắt đầu đơn giản nhất. 

Bước 1: Lựa chọn hình thức mua cổ phiếu

Có 3 hình thức để nhà đầu tư có thể bắt đầu giao dịch cổ phiếu:

  • Thông qua nhà môi giới chứng khoán bên cung cấp đầy đủ dịch vụ. Tuy nhiên, với hình thức này nhà đầu tư có thể sẽ phải trả thêm phí giao dịch. 
  • Thông qua sàn giao dịch trung gian trực tuyến, một trong các cách được sử dụng phổ biến và giúp tối ưu chi phí hiệu quả nhất hiện nay. 
  • Mua trực tiếp từ công ty phát hành cổ phiếu. Với hình thức này bạn sẽ được mua với giá tốt nhất nhưng bất cập là phải đến tận nơi để mua. 

Nếu là những người chưa có kinh nghiệm bạn nên lựa chọn hình thức mua thông qua sàn giao dịch trung gian hay nhà môi giới để được tư vấn chi tiết và cung cấp dịch vụ đầy đủ. Đối với nhà đầu tư có kinh nghiệm, có thể trực tiếp mua cổ phiếu tại công ty đang phát hành.

Bước 2: Mở tài khoản giao dịch

Để mở tài khoản chứng khoán, trước hết bạn cần tìm hiểu và lựa chọn 1 công ty chứng khoán uy tín để mở tài khoản. Hiện nay, có rất nhiều sàn môi giới trực tuyến bạn có thể đăng ký và mở tài khoản dễ dàng. Mỗi công ty chứng khoán sẽ có những quy định khác nhau và mức phí giao dịch khác nhau. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn công ty chứng khoán phù hợp, sau đó là nạp tiền vào tài khoản và bắt đầu giao dịch. 

Bước 3: Tìm hiểu về các loại cổ phiếu, công ty phát hành

Trước khi mua, cần nghiên cứu kỹ các thông tin của công ty phát hành cổ phiếu bao gồm: vốn điều lệ, doanh thu ròng và bảng báo cáo hoạt động (tuần, tháng, quý). 

Với cổ phiếu, bạn cần tạo danh mục nhiều cổ phiếu để theo dõi các chỉ số tài chính quan trọng như:

  • Dự báo về kết quả kinh doanh
  • Cổ tức
  • Định giá
  • Tăng trưởng
  • Hiệu suất cổ phiếu
  • Xu hướng
  • Khả năng sinh lời của cổ phiếu
  • Tỷ lệ sở hữu của cổ đông
  • Nợ vay

Ngoài ra, nếu muốn chứng khoán thực sự là 1 kênh đầu tư kiếm tiền lâu dài, bạn sẽ cần học thêm cách phân tích và định giá 1 cổ phiếu để đầu tư chứng khoán được hiệu quả hơn.

Bước 4: Quyết định mua cổ phiếu

Nếu là người mới bắt đầu, bạn có thể cân nhắc về việc mua ít hoặc chỉ mua một vài cổ phiếu để làm quen với biến động thị trường. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, am hiểu về phân tích định giá cổ phiếu bạn có thể đầu tư các khoản lớn hơn, sở hữu số lượng cổ phiếu nhiều hơn để đem lại lợi nhuận cao.

Bước 5: Tiến hành đặt lệnh mua cổ phiếu

Để đặt lệnh mua cổ phiếu, bạn cần nắm vững 2 lệnh sau:

  • Market orders (lệnh mua theo giá thị trường): nghĩa là bạn sẽ mua hoặc bán cổ phiếu với mức giá thị trường tốt nhất và khớp lệnh ngay lập tức.
  • Limit orders (lệnh chờ giới hạn): Bạn sẽ được mua với mức giá mong muốn khi mức giá khớp lệnh với giá bạn đã chọn.

Lời kết

Chứng khoán và cổ phiếu là 2 trong những thuật ngữ cơ bản và cần thiết nhất với các nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới. Hy vọng qua bài viết bạn sẽ có thêm những kiến thức quan trọng về chứng khoán cũng như cổ phiếu, xác định cho mình các chiến lược đầu tư lâu dài. Chúc các bạn thành công!