Vay thế chấp là gì? Điều kiện và thủ tục vay thế chấp
Vay thế chấp là một hình thức giao dịch vay vốn được rất nhiều khách hàng sử dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng phát triển như hiện nay, con người luôn nảy sinh những nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng, khẳng định bản thân, phát triển mô hình kinh doanh… Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều khách hàng e ngại về phương thức này do chưa hiểu rõ điều kiện và thủ tục vay thế chấp. Vậy vay thế chấp là gì? Hãy cùng Thomasday làm rõ qua bài viết dưới đây nhé!
Vay thế chấp là gì?
Vay thế chấp là hình thức giao dịch vay tiền có tài sản đảm bảo. Trong đó, tài sản đảm bảo phải thuộc sở hữu của người đi vay trong thời hạn vay tiền.
Ví dụ: Khi vay thế chấp, bạn phải tài sản đảm bảo thuộc sở hữu của bạn như nhà, đất, xe hoặc tài sản có giá trị,… Sau khi thẩm định và được ngân hàng duyệt hồ sơ vay, tài sản mang đi thế chấp vẫn thuộc quyền sở hữu của bạn nhưng ngân hàng sẽ giữ lại mọi giấy tờ chứng minh liên quan.
Đặc điểm của vay thế chấp
Vay thế chấp là một hình thức vay vốn truyền thống được đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết vấn đề tài chính, vì những đặc điểm nổi bật dưới đây:
- Khách hàng (người vay) vẫn có quyền sở hữu tài sản: khi thế chấp để vay vốn, ngân hàng chỉ giữ các giấy tờ có liên quan đến tài sản, không phải tịch thu. Vì thế, bạn vẫn có quyền sở hữu và sử dụng nó.
- Tài sản thế chấp đa dạng: bạn có thể sử dụng bất kỳ loại tài sản nào để vay thế chấp, nhưng phải đảm bảo chúng có giá trị (theo sự thẩm định của ngân hàng) như sổ đỏ, sổ hồng, xe máy, ô tô, máy móc, thiết bị,…
- Vay thế chấp phải có tài sản đảm bảo: nhà đầu tư, doanh nghiệp cần phải có tài sản thế chấp khi vay, tài sản này sẽ do ngân hàng thẩm định giá.
- Thời gian vay linh hoạt: nhà đầu tư có thể kéo dài thời gian lên đến 20, 25 năm để giảm bớt gánh nặng nợ vay.
- Lãi suất thấp hơn so với vay tín chấp: vay thế chấp có nhiều ưu đãi về lãi suất, như vậy số tiền trả lãi cũng thấp hơn.
- Giới hạn vay cao: khách hàng có thể vay với hạn mức lên đến 70% – 100% giá trị tài sản thế chấp.
Lợi ích của vay thế chấp
Vay thế chấp đơn giản là hình thức dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với bên cho vay. Không những giúp bạn có số vốn, mà nó còn đem lại nhiều lợi ích đáng kể như:
- Tài sản vẫn thuộc sở hữu người vay: mặc dù tài sản đã được mang đi thế chấp và ngân hàng giữ lại giấy tờ gốc chứng minh tài sản, nhưng bạn vẫn được quyền tiếp tục sử dụng tài sản đó.
- Giảm gánh nặng trả nợ: nhờ thời gian cho vay dài hạn lên đến 25 năm, lãi suất trên dư nợ giảm dần, người đi vay có nhiều thời gian xoay vòng vốn, cân bằng tài chính.
- Vay hạn mức cao: tùy thuộc vào tài sản đảm bảo, ngân hàng thẩm định giá càng cao, bạn sẽ được phép vay với số tiền càng lớn. Theo đó, bạn có thể vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng (hoặc trên 70% giá trị thực tế của tài sản) để phục vụ cho các nhu cầu như kinh doanh, đầu tư, mua nhà, mua xe, du học,…
- Đa dạng hình thức trả nợ: bạn có thể thanh toán nợ hàng tháng, quý, năm, tiền gốc có thể trả góp hoặc trả hết.
Vay thế chấp lãi suất bao nhiêu?
Hiện nay, khi vay thế chấp nhà đầu tư/doanh nghiệp phải chịu 1 trong 3 loại lãi suất bao gồm: lãi suất cố định, lãi suất thả nổi và lãi suất hỗn hợp. Tùy vào lãi suất của từng ngân hàng mà nhà đầu tư sẽ phải trả những khoản tiền lãi khác nhau. Để tính được tiền lãi hàng tháng theo từng loại lãi suất, cùng tham khảo các công thức và ví dụ dưới đây!
Lãi suất cố định
Lãi suất cố định là loại lãi suất không đổi trong suốt quá trình chịu nợ vay. Nghĩa là, đến thời hạn trả lãi hàng tháng, nhà đầu tư đều đóng một số tiền như nhau.
Công thức tính lãi suất cố định:
Tiền lãi hàng tháng = (Số tiền vay thế chấp x Lãi suất cố định) ÷ 12 |
Trong đó: Lãi suất cố định = %/năm
Ví dụ: Vợ chồng anh A đi vay thế chấp tại ngân hàng X số tiền 200.000.000 VNĐ, trong vòng 1 năm, để mua một căn hộ mới. Tài sản thế chấp là căn hộ đang ở hiện tại. Lãi suất cố định tại ngân hàng là 12%/năm.
Vậy tiền lãi phải trả hàng tháng là: 200.000.000 x 12%/12 = 2.000.000 VNĐ
Lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi là loại lãi suất sẽ thay đổi theo quy định và chính sách của ngân hàng theo từng giai đoạn. Khoản lãi suất này sẽ được điều chỉnh 3 tháng hoặc 6 tháng/lần.
Công thức tính lãi suất thả nổi:
Tiền lãi hàng tháng = Số tiền vay thế chấp x Lãi suất thả nổi |
Trong đó:
Lãi suất thả nổi (%/tháng) = Lãi suất cơ sở + Biên độ lãi suất
- Lãi suất cơ sở: là loại lãi suất được sử dụng trong trường hợp để xác định mức lãi suất cho vay sau thời gian ngân hàng thực hiện điều chỉnh.
- Biên độ lãi suất: cố định trong suốt thời gian vay vốn và được ghi rõ trong hợp đồng vay thế chấp.
Ví dụ: Nếu vợ chồng A cũng vay số tiền 200.000.000 VNĐ thời hạn 1 năm nhưng với lãi suất thả nổi. Biên độ dao động của lãi suất là 0,2 %/tháng. Lúc này, tiền lãi hàng tháng phải đóng được tính như sau:
Từ tháng 1 đến tháng 3, lãi suất cơ sở là 1%/tháng => Lãi suất thả nổi: 1% + 0.2% = 1.2%
=> Số tiền lãi phải đóng trong 3 tháng đầu là: 200.000.000 x 1.2% = 2.400.000 VNĐ
Từ tháng 3 đến tháng 6, lãi suất cơ sở là 0.6%/tháng => Lãi suất thả nổi: 0.6% + 0.2% = 0.8%
=> Số tiền lãi phải đóng trong 3 tháng này là: 200.000.000 x 0.8% = 1.600.000 VNĐ
Từ tháng 6 đến tháng 12, lãi suất cơ sở là 0.8%/tháng => Lãi suất thả nổi: 0.8% + 0.2% = 1%
=> Số tiền lãi phải đóng trong 3 tháng này là: 200.000.000 x 1% = 2.000.000 VNĐ
Lãi suất hỗn hợp
Lãi suất hỗn hợp là lãi suất có sự kết hợp của lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, được thỏa thuận và quy định trong hợp đồng cho vay. Lãi suất cố định sẽ được ngân hàng áp dụng trong 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng hoặc 24 tháng tùy gói vay, thời gian còn lại sẽ thực hiện lãi suất thả nổi.
Ví dụ: Vợ chồng A vẫn vay số tiền 200.000.000 VNĐ thời hạn 1 năm nhưng với lãi suất hỗn hợp. Trong 6 tháng đầu, sẽ áp dụng lãi suất cố định là 0.6%/tháng. 6 tháng tiếp theo sẽ áp dụng lãi suất thả nổi với lãi suất cơ sở là 0.8%, biên độ dao động lãi suất là 0.2%.
- Tiền lãi hàng tháng phải trả trong 6 tháng đầu tiên: 200.000.000 x 0.6% = 1.200.000 VNĐ
- Tiền lãi hàng tháng phải trả trong 6 tháng tiếp theo: 200.000.000 x (0.8% + 0.2%) = 2.000.000 VNĐ
Vay thế chấp là vay tín chấp?
Vay thế chấp và vay tín chấp đều là hình thức giao dịch vay nợ. Nhưng về bản chất, hai hình thức này có nhiều đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Để phân tích về sự khác nhau, trước tiên hãy cùng điểm qua khái niệm của vay tín chấp bạn nhé!
Vay tín chấp là gì?
Vay tín chấp là hình thức giao dịch vay tiền không cần thế chấp tài sản đảm bảo, mà dựa vào uy tín cá nhân và khả năng trả nợ của người vay.
So sánh vay thế chấp và vay tín chấp
Vay thế chấp | Vay tín chấp | |
Hình thức | Vay có tài sản đảm bảo | Vay không có tài sản đảm bảo |
Đặc điểm | Tài sản đảm bảo được thẩm định giá bởi ngân hàng | Dựa trên uy tín và khả năng trả nợ của người vay |
Tài sản thế chấp cần có | Sổ hồng, sổ đỏ, ô tô,… | Không cần |
Lãi suất | Thấp, lãi suất giảm dần theo dư nợ | Cao hơn |
Hạn mức vay | Hơn 70% giá trị tài sản đảm bảo | Thấp hơn |
Thủ tục đăng ký | Phức tạp | Đơn giản |
Thời gian xét duyệt hồ sơ | Lâu | Nhanh chóng |
Các hình thức vay thế chấp ngân hàng
Vay thế chấp ngân hàng ngày càng phát sinh rất nhiều hình thức và thủ tục đăng ký cũng rất dễ dàng. Trong đó, một số hình thức vay thế chấp ngân hàng phổ biến có thể kể đến như:
Vay thế chấp ngân hàng để mua nhà, bất động sản
Hình thức này cho phép khách hàng có thể vay tiền để mua nhà, đất, chung cư,… hỗ trợ vay lên đến 100% giá trị tài sản cần mua. Thời gian vay kéo dài có thể kéo dài từ 15 – 25 năm, tùy vào tài sản đảm bảo, thu nhập, nhu cầu sử dụng vốn vay,…
Vay thế chấp ngân hàng để mua xe
Hiện nay, các đại lý kinh doanh xe máy, xe ô tô thường liên kết với ngân hàng nhằm hỗ trợ người đi vay có nhu cầu sử dụng xe để di chuyển, kinh doanh có thể giải quyết vấn đề tài chính dễ dàng hơn. Đặc biệt, thủ tục vay thế chấp ngân hàng để mua xe khá đơn giản, người đi vay có thể sử dụng chính tài sản mình mua để thế chấp tài sản đảm bảo với ngân hàng.
Vay thế chấp ngân hàng để kinh doanh
Lãi suất vay thế chấp kinh doanh tại các ngân hàng hiện nay đang áp dụng dao động trong khoảng 7% – 9%. Hình thức này được doanh nghiệp sử dụng nhằm giải quyết vấn đề tài chính khi có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh như: mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu,…
Vay thế chấp ngân hàng để tiêu dùng
Hình thức này sử dụng tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay, được người đi vay sử dụng với mục đích phục vụ cho bản thân, gia đình, các hoạt động tiêu dùng như khám chữa bệnh, phẫu thuật, du lịch, đóng học phí, mua sắm,…
Vay thế chấp ngân hàng để du học
Thời hạn vay vốn của hình thức này có thể kéo dài lên đến 25 năm, cho phép khách hàng vay vốn từ 70% – 90% giá trị của tài sản đảm bảo, với lãi suất từ 6% – 9%/năm.
Hình thức vay thế chấp ngân hàng để du học thường được dùng để giải quyết nhu cầu tài chính của học sinh, sinh viên sắp theo học tại các khóa học, trường đào tạo ở nước ngoài, hoặc cơ sở các khóa học, trường đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam.
Điều kiện và thủ tục vay thế chấp
Ở mỗi ngân hàng khác nhau sẽ có những điều kiện và thủ tục vay thế chấp khác nhau, nhưng về cơ bản vẫn bao gồm những nội dung dưới đây!
Điều kiện vay thế chấp dành cho cá nhân
Điều kiện về đối tượng vay
- Là công dân của nước Việt Nam
- Có CMND/CCCD/hộ chiếu còn hiệu lực
- Có sổ hộ khẩu thường trú/tạm trú/ và xác nhận tạm trú
- Độ tuổi từ: khoảng từ 22 đến 65 đối với nam và đến 60 đối với nữ
- Không thuộc đối tượng trong các danh sách đen: khủng bố, rửa tiền,…
- Không có nợ xấu hoặc lịch sử tín dụng xấu
- Có tài sản đảm bảo (thế chấp)
- Thu nhập ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ
Điều kiện về tài sản đảm bảo
- Không vướng vào các vấn đề tranh chấp, không nằm trong dự án quy hoạch của nhà nước
- Có giấy tờ pháp lý rõ ràng, phải có bản gốc, không tẩy xóa, các trang bổ sung phải có đầy đủ và được cơ quan chức năng đóng dấu giáp lai cùng với trang chính
- Giá trị tài sản phải đủ đảm bảo cho khoản vay
- Nếu tài sản thuộc bên thứ 3 thì phải được bên thứ 3 đồng ý và có xác nhận của cơ quan chức năng
Điều kiện về thu nhập
- Thu nhập từ lương: khách hàng phải nộp hợp đồng lao động còn hiệu lực, kèm theo bản gốc sao kê lương từ 3 – 6 tháng.
- Thu nhập từ cho thuê: nguồn thu nhập này có thể đến từ thuê nhà, mặt bằng, xe,… Để chứng minh được nguồn thu nhập này, khách hàng phải mình là chủ sở hữu.
- Thu nhập từ kinh doanh, đầu tư: thu nhập lúc này sẽ được chứng minh qua bảng báo cáo kết quả hoạt động công ty/doanh nghiệp qua từng thời kỳ mà ngân hàng yêu cầu.
Thủ tục để vay thế chấp
Từ những điều kiện nói trên, khi vay thế chấp tại ngân hàng, nhà đầu tư cần lưu ý chuẩn bị những giấy tờ, thủ tục cơ bản dưới đây:
Đơn đề nghị vay vốn (theo mẫu của từng ngân hàng)
- Hồ sơ cá nhân bao gồm: CMND/CCCD/hộ chiếu, hộ khẩu thường trú/ tạm trú dài hạn (KT3),…
- Hồ sơ chứng minh mục đích vay vốn: chiến lược kinh doanh, hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng,…
- Hồ sơ chứng minh thu nhập: hợp đồng lao động, bản lương, sao kê ngân hàng,…
- Hồ sơ tài sản đảm bảo: giấy chứng nhận sở hữu tài sản, sổ đỏ, sổ hồng, các giấy tờ có giá,…
Kinh nghiệm vay thế chấp sổ đỏ
Khi vay thế chấp, sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở) là tài sản được sử dụng để “cầm cố” phổ biến nhất. Dưới đây, Thomasday sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm khi vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng, cùng theo dõi bạn nhé!
Điều kiện vay thế chấp sổ đỏ
- Con người: để thế chấp sổ đỏ, nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, nếu là cá nhân thì phải đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Sổ đỏ (đất, nhà ở):
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở hợp pháp.
– Đất đai, nhà ở không thuộc diện tranh chấp, khiếu nại hoặc khiếu kiện về quyền sở hữu.
– Đất, nhà ở không thuộc diện bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Đất, nhà ở không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa hay phá dỡ theo thông báo từ cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ vay thế chấp sổ đỏ
Theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp nộp một bộ hồ sơ đăng ký thế chấp bao gồm:
- Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính), theo mẫu của ngân hàng.
- Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).
- Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc một trong các loại giấy chứng nhận quy định tại Khoản 2, Điều 97 của Luật đất đai.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ yêu cầu thêm các giấy tờ cần thiết như:
- Bản sao CMND/CCCD/ hộ chiếu của khách hàng.
- Bản sao sổ hộ khẩu và các giấy tờ có liên quan theo yêu cầu của ngân hàng.
- Các loại giấy tờ chứng minh thu nhập (hợp đồng lao động, bảng lương,…).
Quy trình ngân hàng cho vay thế chấp sổ đỏ
- Khách hàng nộp hồ sơ vay vốn cho ngân hàng
Khách hàng chuẩn bị đầy đủ và chính xác các loại giấy tờ, chứng từ được kể trên, sau đó nộp theo yêu cầu của ngân hàng.
- Ngân hàng xác nhận yêu cầu vay
Sau khi nhận hồ sơ, ngân hàng sẽ kiểm tra thông tin và thông báo đến khách hàng về yêu cầu vay như: hồ sơ của bạn đáp ứng đủ điều kiện không, hạn mức được vay, lãi vay,…
- Phê duyệt hồ sơ và thông báo cho vay
Khi hồ sơ vay được thông qua, khách hàng và ngân hàng sẽ tiến hành ký hợp đồng tín dụng. Theo đó, hai bên phải thực hiện đúng các thỏa thuận được nêu trong hợp đồng.
- Khách hàng ký hợp đồng vay vốn
Khi mọi thủ tục đã hoàn tất, khách hàng sẽ nhận được giấy hẹn từ ngân hàng. Sau đó, khách hàng sẽ tiến hành ký hợp đồng vay vốn và ngân hàng thực hiện giải ngân.
- Thu hồi nợ
Dựa vào thỏa thuận trong hợp đồng, ngân hàng sẽ thu hồi nợ bao gồm nợ gốc và lãi hàng tháng hoặc quý.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin cần thiết về vay thế chấp cũng như các hình thức vay thế chấp ngân hàng. Hình thức này không chỉ mang đến nhiều lợi ích cho nhà đầu tư mà còn có tính an toàn cao. Tuy nhiên, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng và có kế hoạch chi trả hợp lý để không phải chịu gánh nặng về khoản lãi vay nhé! Chúc các bạn thành công!