Bảo lãnh thanh toán là gì? Thủ tục bảo lãnh thanh toán
Trong các hợp đồng thương mại, bảo lãnh thanh toán là một hình thức được rất nhiều tổ chức sử dụng nhằm cam kết, đảm bảo về nghĩa vụ tài chính của các bên. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về bảo lãnh thanh toán, bài viết dưới đây của Thomasday sẽ giúp bạn phân tích rõ bảo lãnh thanh toán là gì? Đồng thời nêu cụ thể nghĩa vụ của các bên trong thủ tục bảo lãnh thanh toán. Hãy cùng theo dõi bạn nhé!
Bảo lãnh thanh toán là gì?
Muốn hiểu rõ bảo lãnh thanh toán, trước hết bạn cần phải tìm hiểu thế nào là bảo lãnh và bảo lãnh ngân hàng.
Bảo lãnh là gì?
Theo Khoản 1, Điều 335, Bộ Luật Dân Sự quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Bảo lãnh ngân hàng là gì?
Bảo lãnh ngân hàng là một hình thức cấp tín dụng, cụ thể bên bảo lãnh (Ngân hàng) cam kết về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
Có nhiều hình thức bảo lãnh khác nhau trực thuộc bảo lãnh ngân hàng. Để tránh loãng, bài viết dưới đây, Thomasday sẽ chỉ nói chi tiết về hình thức bảo lãnh được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất, chính là bảo lãnh thanh toán.
Bảo lãnh thanh toán là gì?
Bảo lãnh thanh toán là cam kết của ngân hàng với bên nhận Bảo lãnh (Nhà cung cấp) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Khách hàng (bên được bảo lãnh) trong trường hợp Khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình cho bên nhận bảo lãnh khi đến hạn.
Đối tượng tham gia bảo lãnh thanh toán
Gồm có 3 đối tượng tham gia chính:
- Bên được bảo lãnh: là người yêu cầu mở bảo lãnh thanh toán. Bên được bảo lãnh có trách nhiệm thanh toán theo quy định được nêu trong hợp đồng bảo lãnh.
- Bên bảo lãnh: có vai trò đại diện tài chính cho bên được bảo lãnh. Bên bảo lãnh bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.
- Bên nhận bảo lãnh: là người hưởng thanh toán từ bên được bảo lãnh theo quy định nêu trong hợp đồng bảo lãnh. Bên nhận bảo lãnh bao gồm: nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ, bên bán,…
Các đối tượng trong bảo lãnh thanh toán có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, để thực hiện được cam kết giữa bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh, thì bên bảo lãnh phải sở hữu tài sản có giá trị hoặc thu nhập cao, đủ để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ khi đến thời hạn.
Mẫu hợp đồng bảo lãnh thanh toán
Mỗi ngân hàng khác nhau sẽ có các mẫu bảo lãnh thanh toán khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản nội dung trong mẫu bảo lãnh thanh toán sẽ có những nội dung dưới đây:
1. Tiêu đề
2. Số chứng thư bảo lãnh
3. Thông tin bên bảo lãnh (Tên Ngân hàng – Chi nhánh)
4. Thông tin bên được bảo lãnh
- Họ và tên
- Địa chỉ liên hệ
- CMND/Hộ chiếu
- Số điện thoại
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số…
- Số tài khoản gửi tiền ngoại tệ
- Số tài khoản gửi đồng Việt Nam
- …
5. Thông tin bên nhận bảo lãnh
- Họ và tên
- Địa chỉ liên hệ
- CMND/Hộ chiếu
6. Giá trị bảo lãnh thanh toán
- Số tiền bảo lãnh
- Đồng tiền bảo lãnh
- Đồng tiền sử dụng thanh toán theo cam kết bảo lãnh
7. Thông tin hợp đồng
- Thời hạn bảo lãnh
- Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
- Cơ quan giải quyết tranh chấp Cam kết bảo lãnh
- Tài sản đảm bảo
8. Chỉ thị thanh toán
9. Cam kết bảo lãnh của bên được bảo lãnh
10. Ký kết
Bạn có thể tham khảo “GIẤY ĐỀ NGHỊ PHÁT HÀNH BẢO LÃNH” tại ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) dưới đây để hiểu rõ hơn về mẫu hợp đồng bảo lãnh thanh toán:
Quy định về bảo lãnh thanh toán
Bảo lãnh thanh toán là cam kết của bên bảo lãnh sẽ thanh toán thay cho bên được bảo lãnh, khi họ không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán. Vậy bên bảo lãnh có thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng hay không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tổ chức bảo lãnh thanh toán phá sản?
Theo quy định về bảo lãnh:
- Bên bảo lãnh sẽ có nghĩa vụ thanh toán một phần hay toàn bộ số tiền được nêu trong hợp đồng phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên.
- Khi bên được bảo lãnh chấm dứt sự tồn tại hoặc bên bảo lãnh phá sản, thì bảo lãnh thanh toán sẽ mất giá trị trong tương lai.
- Bên bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện bảo lãnh thanh toán mọi khoản nợ ghi trên chứng thư bảo lãnh, bao gồm nợ gốc, tiền lãi, tiền phạt, tiền bồi thường,…
- Những giá trị để đảm bảo bảo lãnh thanh toán có thể là tài sản hoặc tiền mặt, tùy theo cam kết giữa bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh.
Thủ tục bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng
Thủ tục bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng không quá phức tạp, ngoài mẫu đơn bảo lãnh thanh toán, bạn cần chuẩn bị đầy đủ và chính xác hồ sơ, giấy tờ liên quan và thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Ký kết hợp đồng giữa các bên về yêu cầu bảo lãnh thanh toán
Bước 2: Lập hồ sơ đề nghị bảo lãnh thanh toán và gửi cho ngân hàng
Hồ sơ bảo lãnh thanh toán bao gồm:
- Đơn đề nghị mở bảo lãnh
- Hồ sơ pháp lý của cá nhân/doanh nghiệp (các loại giấy tờ chứng minh nhân thân)
- Hồ sơ tài chính
- Giấy tờ liên quan tài sản đảm bảo
- Hợp đồng thương mại/Hồ sơ mục đích
Bước 3: Ngân hàng tiến hành thẩm định
Để thẩm định bộ hồ sơ mà khách hàng cung cấp, ngân hàng sẽ dựa trên các yếu tố như:
- Tính hợp pháp
- Tính khả thi của dự án
- Tài sản đảm bảo
- Năng lực pháp lý của bên được bảo lãnh
- Khả năng tài chính của bên được bảo lãnh
Nếu được thông qua và chấp nhận bảo lãnh, ngân hàng sẽ ký hợp đồng bảo lãnh và chứng thư bảo lãnh. Trong đó, nghĩa vụ tài chính của khách hàng (bên được bảo lãnh) sẽ ràng buộc với ngân hàng (bên bảo lãnh), thể hiện rõ trong hợp đồng thông qua số tiền, thời hạn bảo lãnh, phí bảo lãnh, quy định về tài sản đảm bảo,…
Bước 4: Ngân hàng cung cấp chứng thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh
Ở bước này, ngân hàng sẽ gửi chứng thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh. Nội dung của chứng thư bảo lãnh sẽ nêu rõ các quy định có trong hợp đồng bảo lãnh (giữa ngân hàng và khách hàng).
Bước 5: Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh
Nếu bên được bảo lãnh không thực hiện thỏa thuận theo như hợp đồng, ngân hàng sẽ tiến hành bảo lãnh thanh toán khi nhận được hồ sơ đòi tiền từ bên nhận bảo lãnh
Bước 6: Bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán với ngân hàng
Bên được bảo lãnh sẽ thanh toán toàn bộ khoản tiền bảo lãnh bao gồm nợ gốc, lãi, phí bảo lãnh,…
Lời kết
Bảo lãnh thanh toán là một hình thức được hầu hết các doanh nghiệp sử dụng như một giải pháp an toàn, mang lại hiệu quả trong vấn đề xoay vòng vốn. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức cần thiết về bảo lãnh, bảo lãnh ngân hàng và bảo lãnh thanh toán. Đồng thời, nắm rõ quy trình bảo lãnh thanh toán được thực hiện như thế nào để vận dụng hiệu quả vào doanh nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công!