Tỷ giá hối đoái là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là thuật ngữ gần như đã quá quen thuộc trong thời đại ngày nay. Đặc biệt, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ngày một tăng, càng làm nhu cầu trao đổi tiền tệ giữa các nước tăng theo và ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu tường tận về những vấn đề xoay quanh tỷ giá hối đoái. Trong bài viết dưới đây, Thomasday sẽ phân tích rõ khái niệm cũng như cách tính tỷ giá hối đoái một cách chi tiết nhất. Cùng theo dõi bạn nhé!

Tỷ giá hối đoái là gì?

Tỷ giá hối đoái (tỷ giá trao đổi ngoại tệ, tỷ giá Forex, tỷ giá FX) là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai quốc gia, khu vực khác nhau. Nói một cách cụ thể hơn, tỷ giá hối đoái là tỷ giá của đồng tiền thuộc quốc gia này có thể quy đổi sang đồng tiền của quốc gia khác, hay số lượng đơn vị tiền tệ cần thiết để mua một đơn vị ngoại tệ ở một thời điểm nhất định.

Tỷ giá hối đoái là gì?

Ví dụ: Tỷ giá hối đoái được cập nhật lúc 13:15 ngày 14/01/2022 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) như sau: 

EUR/VND = 25,336.66 (tỷ giá mua) – 26,756.91 (tỷ giá bán)

Nghĩa là, giá của EUR được biểu thị thông qua VND và 1 EUR có giá là 26,756.91 VND (giá được bán ra tại ngân hàng).

Các phương thức niêm yết tỷ giá hối đoái

Có 2 phương pháp thể hiện tỷ giá hối đoái: yết giá trực tiếp và yết giá gián tiếp.

  • Yết giá ngoại tệ trực tiếp

Là phương pháp niêm yết giá ngoại tệ trực tiếp ra bên ngoài, thể hiện 1 đơn vị ngoại tệ sẽ bằng bao nhiêu đơn vị nội tệ. Phương pháp này thường được áp dụng ở một số quốc gia có đồng nội tệ tính thanh khoản thấp.

Ví dụ: Tỷ giá Vietcombank

Vào ngày 14/01/2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết tỷ giá USD và VND là: USD/VND = 22.570 – 22.850. Trong đó, tỷ giá mua USD = 22.570 và tỷ giá bán USD = 22.850 VND.

  • Yết giá ngoại tệ gián tiếp

Là phương pháp niêm yết giá ngoại tệ không thể hiện rõ ràng giá 1 đơn vị ngoại tệ bằng bao nhiêu đơn vị nội tệ, mà bạn phải tự tính toán qua phép chia ngược lại. Như vậy, đây là phương pháp thể hiện một đơn vị nội tệ bằng bao nhiêu đơn vị ngoại tệ. Phương pháp này thường được áp dụng ở một số quốc gia như Anh, New Zealand, Australia, và các nước thuộc khối EU.

Ví dụ: Tỷ giá ANZ

Vào ngày 14/01/2022, Ngân hàng ANZ (Australia and New Zealand Banking Group) niêm yết tỷ giá giữa AUD và USD là: AUD/USD = 0.707 – 0.7437. Nghĩa là, tỷ giá bán 1 AUD = 0.707 USD và tỷ giá mua 1 AUD = 0.7437 USD. Để quy về 1 đơn vị USD (ngoại tệ đối với Úc) bằng bao nhiêu AUD, bạn làm phép chia ngược và kết quả tỷ giá bán 1 USD = 1/0.707 = 1.4144 và tỷ giá mua 1 USD = 1.3446.

Các loại tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái có rất nhiều loại khác nhau, mỗi loại sẽ có các đặc điểm nhận dạng riêng biệt như bảng được chúng tôi phân loại dưới đây.

Các loại tỷ giá hối đoái

Dựa vào đối tượng xác định tỷ giá

Tỷ giá hối đoái có 2 loại như sau: 

  • Tỷ giá chính thức: là tỷ giá do cơ quan quản lý tiền tệ (ngân hàng Trung ương) xác định và công bố, áp dụng vào một thời kỳ nhất định.
  • Tỷ giá thị trường: là tỷ giá được hình thành dựa trên cơ sở cung cầu của thị trường.

Dựa vào giá trị tỷ giá

Tỷ giá hối đoái chia làm 2 loại, bao gồm: 

  • Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: là tỷ giá được hiển thị tại các ngân hàng và quầy đổi tiền, đây là tỷ giá mà bạn có thể đổi ngoại tệ sang nội tệ hoặc ngược lại (không tính đến yếu tố lạm phát).
  • Tỷ giá hối đoái hoán thực: là tỷ giá phản ánh giá cả hàng hóa tương quan có thể bán ra nước ngoài và hàng tiêu thụ trong nước, có sự tác động của yếu tố lạm phát. 
Các loại tỷ giá hối đoái

Dựa vào phương thức chuyển ngoại hối

Tỷ giá hối đoái bao gồm: 

  • Tỷ giá điện hối: là tỷ giá mua bán ngoại hối mà ngân hàng có trách nhiệm chuyển ngoại hối bằng điện.
  • Tỷ giá thư hối: là tỷ giá mua bán ngoại hối mà ngân hàng có trách nhiệm chuyển ngoại hối bằng thư. 

Dựa vào nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối

Tỷ giá hối đoái chia làm 2 loại:

  • Tỷ giá mua: là tỷ giá mà ngân hàng chấp nhận mua ngoại hối vào.
  • Tỷ giá bán: là tỷ giá mà ngân hàng chấp nhận bán ngoại hối ra.
Các loại tỷ giá hối đoái

Dựa vào phương diện thanh toán quốc tế

Tỷ giá hối đoái chia làm 2 loại:

  • Tỷ giá tiền mặt: là loại tỷ giá được áp dụng cho các ngoại tệ khi thanh toán bằng tiền mặt, séc, thẻ tín dụng.
  • Tỷ giá chuyển khoản: là tỷ giá áp dụng cho các trường hợp giao dịch thanh toán ngoại hối được thực hiện bằng cách chuyển khoản ngân hàng.

Dựa vào kỳ hạn thanh toán

Tỷ giá hối đoái chia làm 2 loại:

  • Tỷ giá giao ngay: là tỷ giá được niêm yết bởi các tổ chức tín dụng tại thời điểm ký kết hợp đồng, để trao đổi trực tiếp một loại tiền tệ với loại tiền tệ khác. Các giao dịch tiền tệ giao ngay thường có ngày quyết toán tiêu chuẩn là hai ngày làm việc sau ngày giao dịch (T + 2). 
  • Tỷ giá kỳ hạn: là tỷ giá được áp dụng trong giao dịch nhưng sẽ được tiến hành tại một thời điểm xác định trong tương lai, theo tỷ giá đã được xác định trước vào thời điểm ký kết hợp đồng.

Chế độ tỷ giá hối đoái

Chế độ tỷ giá hối đoái là cách một quốc gia quản lý đồng tiền của mình liên quan đến các đồng tiền nước ngoài và quản lý thị trường ngoại hối. Mỗi quốc gia ở mỗi thời kỳ sẽ có chế độ tỷ giá hối đoái khác nhau.

Chế độ tỷ giá hối đoái

Có 3 chế độ tỷ giá hối đoái

Chế độ tỷ giá thả nổi (Floating Exchange Rate)

Chế độ tỷ giá thả nổi (hay chế độ tỷ giá linh hoạt) là chế độ mà giá trị của đồng tiền được phép dao động trên thị trường ngoại hối. Đồng tiền áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi gọi là đồng tiền thả nổi.

Tỷ giá thả nổi được quyết định bởi cung cầu ngoại tệ trên thị trường mà không có bất kì sự can thiệp nào khác, bất kể trực tiếp hay gián tiếp, Ngân hàng Trung ương cũng không thể thay đổi tỉ giá.

Chế độ tỷ giá cố định (Fixed Rate Regime)

Chế độ tỷ giá cố định (hay chế độ tỷ giá neo) là chế độ mà giá trị của đồng tiền được gắn với giá trị của một hoặc một rổ khác đồng tiền khác, hay gắn với một tài sản có giá trị (ví dụ như Vàng).

Khi sử dụng chế độ tỷ giá cố định, Nhà nước và Ngân hàng Trung ương sẽ can thiệp để tỷ giá hối đoái giữa giá trị đồng tiền nội tệ với đồng tiền (các) nước khác không bị ảnh hưởng.

Chế độ tỷ giá thả nổi có điều chỉnh  (Managed Floating Regime)

Chế độ tỷ giá thả nổi có điều chỉnh là chế độ kết hợp dung hòa giữa thả nổi và cố định. Nghĩa là chế độ mà tỷ giá biến động theo quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường và Ngân hàng Trung ương hay Nhà nước có sự can thiệp đến tỷ giá.

Chế độ này làm ổn định tỷ giá hối đoái, đảm bảo tính độc lập của chính sách tiền tệ, hạn chế những tác động trực tiếp đến nền kinh tế 1 quốc gia.

Có thể thấy, nếu chế độ tỷ giá cố định tạo ra sự ổn định cho giá trị đồng tiền nhưng chính sách thực hiện rất khó khăn và tốn kém. Thì ở chế độ tỷ giá thả nổi lại dễ gây bất ổn định vì không sự can thiệp từ Ngân hàng Trung Ương. Vì thế, trên thế giới hầu hết đều áp dụng loại hình thứ 3 – chế độ tỷ giá thả nổi có sự can thiệp từ chính phủ. 

Cách tính tỷ giá hối đoái

Một cặp tỷ giá hối đoái được hình thành từ 2 đồng tiền của 2 quốc gia khác nhau, đồng tiền thứ nhất (đứng trước) được gọi là đồng tiền yết giá và đồng tiền thứ hai (đứng sau) được gọi là đồng tiền định giá. Tùy thuộc vào mục đích của khách hàng mà ta sẽ có các cách tính tỷ giá hối đoái dưới đây:   

Cách tính tỷ giá hối đoái giữa 2 đồng tiền định giá

Để xác định tỷ giá giữa 2 đồng tiền ở cùng vị trí đồng tiền định giá, ta thực hiện bằng cách: lấy tỷ giá của đồng tiền định giá chia cho tỷ giá của đồng tiền yết giá. Công thức này được sử dụng nhiều trong việc mua bán ngoại tệ. 

Yết giá/định giá = (Yết giá/USD) / (Định giá/USD)

Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng thì lấy tỷ giá bán của ngân hàng chia cho tỷ giá mua của ngân hàng, ngược lại nếu muốn tính tỷ giá bán của khách hàng thì lấy tỷ giá mua ngân hàng chia cho tỷ giá bán của ngân hàng.

Cách tính tỷ giá hối đoái giữa 2 đồng tiền yết giá

Để xác định tỷ giá giữa 2 đồng tiền ở cùng vị trí đồng tiền yết giá, ta thực hiện bằng cách: lấy tỷ giá đồng tiền yết giá chia cho tỷ giá đồng tiền định giá. 

Yết giá/định giá = (USD/định giá)/(USD/yết giá) 

Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng chia cho tỷ giá mua của ngân hàng và chia cho tỷ giá bán của ngân hàng.

Cách tính tỷ giá hối đoái giữa 2 đồng tiền định giá và yết giá

Để xác định tỷ giá chéo giữa 2 đồng tiền trong đó có một đồng tiền ở vị trí định giá và một đồng ở vị trí yết giá, ta thực hiện bằng cách: lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá nhân với tỷ giá của đồng tiền định giá.

Yết giá(trực tiếp)/định giá = (Yết giá/USD) x (USD/Định giá)

Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng nhân với tỷ giá bán của ngân hàng và muốn tính tỷ giá bán của khách hàng lấy tỷ giá mua của ngân hàng nhân với tỷ giá mua của ngân hàng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái

Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái

Lạm phát

Khi lạm phát của quốc gia này tăng cao hơn quốc gia khác, nghĩa là đồng nội tệ có sức mua kém hơn đồng ngoại tệ, khiến cho giá trị của đồng nội tệ giảm. Từ đó, tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ giảm so với đồng ngoại tệ, hoặc ngược lại.

Ví dụ: giả sử lạm phát tại Việt Nam thấp hơn lạm phát tại Trung Quốc, hàng hóa tại Trung Quốc sẽ có giá đắt hơn và người Việt sẽ ưu tiên dùng hàng Việt nhiều hơn. Điều này làm giảm sản lượng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, đồng thời làm lượng cầu đồng ngoại tệ (¥) giảm.

Tại thị trường Trung Quốc, người dân sẽ sử dụng hàng hóa từ Việt nhiều hơn do giá thành rẻ, điều này làm tăng sản lượng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời làm cung đồng ngoại tệ (¥) tăng.

→ Cầu ngoại tệ giảm, cung ngoại tệ tăng dẫn đến tỷ giá hối đoái nhân dân tệ (¥) giảm, đồng nội tệ VND tăng.

Lãi suất

Lãi suất là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong nước lẫn nước ngoài. Vì khi lãi suất tăng sẽ thu hút nhu cầu gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, khiến cho dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến tỷ giá hối đoái.

Ví dụ: giả sử Hoa Kỳ có lãi suất cao hơn Việt Nam, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào thị trường chứng khoán Hoa Kỳ hoặc gửi tiết kiệm vào các ngân hàng của họ. Điều này làm ngoại tệ Hoa Kỳ tăng và nội tệ Việt Nam sẽ giảm. Từ đó, tỷ giá hối đoái USD (ngoại tệ) tăng còn VND (nội tệ) giảm.

Thu nhập

  • Tác động trực tiếp: khi thu nhập người dân tăng → góp phần thúc đẩy nhu cầu dùng hàng nhập khẩu tăng cao. Từ đó, cầu ngoại tệ tăng kéo tỷ giá hối đoái tăng theo.
  • Tác động gián tiếp: khi thu nhập người dân tăng, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ cao hơn dẫn đến tình trạng lạm phát. Từ đó, lạm phát trong nước cao dẫn đến tỷ giá hối đoái tăng.

Kinh tế

Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển nhanh chóng, nghĩa là giá của sản phẩm xuất khẩu sẽ có tốc độ tăng mạnh hơn giá của sản phẩm nhập khẩu, đồng thời làm tăng giá trị đồng nội tệ, làm giảm tỷ giá hối đoái và ngược lại.

Ngoài ra, khi cán cân thanh toán quốc tế cao cũng khiến đồng ngoại tệ tăng và đồng nội tệ giảm. Từ đó, tỷ giá hối đoái bị tác động và sụt giảm.

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế quốc tế

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu

  • Trường hợp tỷ giá hối đoái tăng đồng nghĩa rằng giá trị của đồng nội tệ sẽ giảm. Dẫn đến giá cả xuất khẩu hàng hóa của quốc gia đó sẽ rẻ hơn trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các quốc gia khác. Từ đó thu được nhiều ngoại tệ, cải thiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán. Nhưng ngược lại, khi tỷ giá hối đoái tăng thì giá sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa sẽ tăng, lúc này sẽ làm hạn chế việc nhập khẩu. 
  • Trường hợp tỷ giá hối đoái giảm, nghĩa là đồng nội tệ sẽ tăng. Dẫn đến việc kích thích nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu. 

=> Như vậy, khi tỷ giá hối đoái tăng thì khuyến khích việc xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu và ngược lại khi tỷ giá hối đoái giảm thì khuyến khích nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu.

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế 

  • Khi tỷ giá hối đoái tăng, giá trị đồng nội tệ giảm thì giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ đắt hơn, dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao. 
  • Khi tỷ giá hối đoái giảm, giá trị đồng nội tệ tăng thì giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn, như vậy sẽ cải thiện tỷ lệ lạm phát đưa về mức vừa phải, ổn định. 

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài

  • Khi tỷ giá hối đoái tăng, giá trị đồng nội tệ giảm, lúc này sẽ kích thích các nguồn đầu tư từ nước ngoài đổ vào trong nước để thu về lợi nhuận. Nhưng sẽ hạn chế các khoản đầu tư trong nước ra nước ngoài vì đồng tiền nội tệ đang bị rớt giá. 
  • Ngược lại, khi tỷ giá hối đoái giảm, giá trị nội tệ tăng, sẽ kích thích các nhà đầu tư trong nước rót tiền để đầu tư sang nước ngoài, nhưng lại hạn chế các nguồn tiền từ nước ngoài đầu tư vào trong nước. 

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới nợ nước ngoài và dịch vụ thu ngoại tệ của các quốc gia

  • Khi tỷ giá hối đoái thay đổi, nếu như theo chiều tăng sẽ làm cho giá trị của đồng nội tệ giảm xuống, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các khoản nợ nước ngoài, nội tệ càng giảm khoản nợ càng cao và ngược lại. 
  • Bên cạnh đó, việc biến động của tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các khoản thu ngoại tệ, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Khi nội tệ giảm, du lịch trong nước sẽ được phát triển, kích thích hành vi tiêu dùng, thoải mái chi trả từ du khách nước ngoài và ngược lại. 

Lời kết

Qua đây, chúng ta có thể thấy tỷ giá hối đoái có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của một quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế. Hy vọng bài viết trên đây không chỉ  giúp bạn có thêm nhiều thông tin cần thiết về tỷ giá hối đoái cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, từ đó có thể phân tích được thị trường, đưa ra các chiến lược đầu tư hiệu quả nhất. Chúc các bạn thành công!