Doanh thu thuần là gì? Công thức tính doanh thu thuần

Doanh thu thuần là gì? Công thức tính doanh thu thuần

Doanh thu thuần là một đại lượng cực kỳ quan trọng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải xác định, để đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh từng tháng, quý, năm,… Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp mà rất nhiều nhà đầu tư nhầm lẫn đại lượng này với khái niệm doanh thu. Vậy doanh thu thuần là gì? Doanh thu thuần và doanh thu có gì khác nhau?

Doanh thu thuần là gì?

Doanh thu là gì?

Doanh thu (Revenue) là tổng số tiền doanh nghiệp thu được nhờ tiêu thụ sản phẩm, hoạt động tài chính, cung cấp dịch vụ và các hoạt động khác của doanh nghiệp.

Doanh thu thuần là gì?

Doanh thu thuần (Net Revenue) là khoản tiền doanh nghiệp thu được từ bán hàng và cung cấp dịch vụ khi đã khấu trừ các loại thuế như thuế xuất-nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT,… và các loại giảm giá như giảm giá hàng bán, chiết khấu thương mại,…

Doanh thu thuần là gì?

Doanh thu thuần có bao gồm VAT?

Doanh thu thuần không bao gồm VAT, vì doanh thu thuần chính là doanh thu đã trừ các loại thuế, hay còn gọi là các khoản giảm trừ doanh thu.

Công thức tính doanh thu thuần 

Theo quyết định 15/2006/QĐ-BTC, công thức tính doanh thu thuần như sau:

Doanh thu thuần = Doanh thu tổng thể của doanh nghiệp – (Chiết khấu bán hàng + Hàng bán bị trả lại + Giảm giá hàng bán + Thuế gián thu)

Hoặc được tổng quát lại theo công thức sau: 

Doanh thu thuần = Doanh thu tổng thể của doanh nghiệp – Các khoản giảm trừ doanh thu

Trong đó: 

  • Doanh thu tổng thể doanh nghiệp: là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
  • Các khoản giảm trừ doanh thu: thuế xuất – nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, và thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp đối với những doanh nghiệp áp dụng thuế VAT theo phương pháp khấu trừ trực tiếp.

Ví dụ

Ví dụ về doanh thu thuần

Trong bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty A:

  • Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: 130,445,298,049 VND
  • Các khoản giảm trừ doanh thu: 522,852,614 VND

=> Doanh thu thuần = 130,445,298,049 – 522,852,614 = 129,922,445,435 VND.

Ý nghĩa doanh thu thuần

Doanh thu thuần là nhân tố được hầu hết các doanh nghiệp sử dụng để đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh trong một giai đoạn cụ thể. Từ kết quả này, chủ doanh nghiệp sẽ dễ dàng biết được mình đang lời hay thua lỗ. 

Thông qua việc xem xét số liệu của doanh thu thuần, chủ doanh nghiệp sẽ nắm được: 

  • Tình hình tiêu thụ sản phẩm.
  • Khoản tiền công ty thu về.
  • Lợi nhuận của doanh nghiệp trước và sau thuế.

Nếu trong thời kỳ đó doanh nghiệp thu được lợi nhuận hấp dẫn, thì có thể duy trì chiến lược phát triển hiện tại và bổ sung thêm những kế hoạch triển vọng khác góp phần thực hiện được mục tiêu đã đề ra trong tương lai. Ngược lại, nếu kết quả báo cáo không khả quan, thì buộc doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch kinh doanh phù hợp, đưa bộ máy vận hành theo một hướng mới, đạt kết quả tốt hơn. 

Doanh thu thuần và doanh thu có gì khác nhau?

Doanh thu thuần và doanh thu

Để nhận thấy sự khác biệt rõ ràng nhất của doanh thu thuần và doanh thu, bạn có thể xem công thức tính của hai đại lượng trên như sau:

  • Doanh thu =  (Tổng giá trị sản phẩm/dịch vụ x Đơn giá) + Các khoản thu khác
  • Doanh thu thuần = Doanh thu – Các khoản giảm trừ doanh thu

Như vậy, doanh thu là toàn bộ số tiền doanh nghiệp thu được từ việc bán sản phẩm và dịch vụ. Doanh thu thuần là kết quả của doanh thu đã khấu trừ các khoản thuế liên quan.

Các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần

Các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần

Để có được khoản doanh thu thuần hấp dẫn thật không phải là một quá trình đơn giản, vì đại lượng này chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: chất lượng, khối lượng sản xuất – tiêu thụ, giá thành, kết cấu sản phẩm, chính sách bán hàng và thị trường tiêu thị. Cụ thể:  

Chất lượng

Chất lượng sản phẩm, dịch vụ được xem là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu cũng như doanh thu thuần của doanh nghiệp. Hơn nữa, đây còn là yếu tố tạo nên sự uy tín của thương hiệu đối với người dùng. Khi sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì số lượng tiêu thụ sẽ gia tăng, giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao hơn.

Khối lượng sản xuất – tiêu thụ

Khối lượng sản xuất – tiêu thụ cũng giống như cung – cầu. Nếu cung vượt quá cầu thì sẽ dẫn đến tình trạng ùn ứ, hàng tồn kho không thể đưa ra thị trường, như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả kinh doanh. Chính vì thế, chủ doanh nghiệp phải nghiên cứu tình hình thị trường, có kế hoạch sản xuất khớp với nhu cầu thị trường sẽ đem lại hiệu quả tích cực hơn.

Giá thành

Ngoài chất lượng thì giá thành sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, mà giá cả dịch vụ hàng hóa tăng thì doanh thu bán hàng sẽ tăng và ngược lại. Nhưng lúc này khối lượng tiêu thụ sản phẩm sẽ giảm xuống, đến khi giá thành giảm xuống thì khối lượng tiêu thụ mới tăng lên. 

Kết cấu sản phẩm

Kết cấu sản phẩm là tỷ trọng giá trị của một mặt hàng so với tổng giá trị toàn bộ các mặt hàng trong một thời kỳ cố định. Bởi các công ty/doanh nghiệp sẽ liên tục thay đổi các mặt hàng với kết cấu khác nhau để đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu cũng như doanh thu thuần.

Chính sách bán hàng và thị trường tiêu thụ

Để đạt được doanh thu nói chung và doanh thu thuần nói riêng như mục tiêu đã đặt ra, doanh nghiệp phải có chính sách bán hàng khôn khéo. Sản phẩm phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người dùng thì quá trình tiêu thụ mới diễn ra suôn sẻ.

Lời kết

Hy vọng với những kiến thức trên từ Thomasday đã giúp bạn nắm rõ hơn về doanh thu thuần, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần. Mặc dù điều đó không cam kết mang về cho doanh nghiệp tăng doanh thu gấp 2-3 lần, nhưng đây sẽ là nền tảng cơ bản giúp bạn ngày một xây dựng chính sách marketing, chính sách bán hàng vững vàng và hiệu quả hơn. Chúc các bạn thành công!